CÔ GIÁO MIỀN XUÔI GẮN BÓ VỚI HỌC SINH VÙNG CAO
Nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, huyện biên giới Mường Nhé là một trong những khu vực bị thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua. Nhiều điểm trường đang ngập trong bùn đất.
Ông Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé, cho hay: Trên địa bàn huyện có nhiều điểm trường bị ngập lụt, sạt lở đất đá gây hư hại, nhất là phòng học, bàn ghế, đồ dùng dạy, học cùng phòng ở giáo viên. Hiện tại, thiệt hại nặng nề nhất là điểm trường Xà Quế (Trường Mầm non xã Chung Chải), điểm trường Nậm Ban (Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Pố) và Trường PTDTBT THCS Quảng Lâm.
Sau mưa lũ, khắp điểm Trường Mầm non xã Chung Chải dày bùn đất. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Oanh, trời liên tục mưa khiến công tác dọn dẹp trở nên khó khăn, vất vả. Song, các thầy cô và lực lượng hỗ trợ đang cố gắng khẩn trương dọn dẹp, để học sinh nhà trường có thể đón năm học mới đúng kế hoạch.
Tại Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Pố, huyện Mường Nhé, mưa lớn kéo dài khiến khu đồi gần dãy nhà lớp học của điểm trường Nậm Ban bị sạt lở nghiêm trọng. Chia sẻ thông tin, thầy Hiệu trưởng Vũ Văn Nguyện bày tỏ lo lắng: “Khu vực sạt lở chỉ cách nhà lớp học khoảng 3 mét, với thời tiết mưa kéo dài như hiện nay tôi lo sẽ gây sụt lún các lớp học”.
Lũ chồng lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành Giáo dục tỉnh Sơn La. Theo ông Nguyễn Công Viên - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sông Mã, qua rà soát, điểm trường Nà Mện, Trường PTDT Tiểu học Nậm Ty bị hỏng hoàn toàn 120m chân tường bao. Nước lũ tràn về khiến toàn bộ lớp học ở tầng 1 bị bùn tràn vào, khuôn viên trường bị đất đá vùi lấp...
“Đường sá từ điểm trường trung tâm tới điểm trường Nà Mện do mưa lũ kéo dài nên đi lại khó khăn, phải đi bộ hơn 3km và qua cầu tre tạm do dân làm khiến việc tập trung của giáo viên tới trường cực kỳ gian nan, vất vả. Ngoài ra, việc ăn ở của giáo viên cũng gặp khó khi hầu hết khu nội trú ở các trường bị hư hỏng nặng hoặc bị lũ cuốn trôi”, cô Nguyễn Thị Hà - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Ty chia sẻ.
Ngay sau trận mưa lũ, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Ty huy động 2 máy xúc và nhờ sự giúp đỡ của cấp ủy chính quyền các địa phương, phụ huynh cùng với toàn bộ giáo viên tập trung đông đủ tại trường dọn dẹp bùn đất.
“Chúng tôi tập trung khắc phục các khu vực bị hư hỏng với phương châm nước rút đến đâu tổ chức dọn dẹp đến đó. Hiện tại, do tình hình mưa lũ trên địa bàn còn phức tạp nên nhà trường chưa thể xác định rõ thời gian khắc phục xong hậu quả. Chúng tôi sẽ nỗ lực để có thể đón học sinh tựu trường an toàn trước dịp khai giảng”, cô Hà chia sẻ.
LTS: Thiếu nguồn tuyển, chưa có chính sách thu hút, đãi ngộ phù hợp với đặc thù của các tỉnh vùng cao, áp lực quá lớn từ công việc và cuộc sống đang là những rào cản, là nguyên nhân cốt lõi khiến các tỉnh Tây Bắc đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên, giảm sút chất lượng dạy và học. Đây cũng là hạn chế trong triển khai nội dung: "Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực" trong Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030".
Năm học này, Lai Châu có hơn 150.000 học sinh, tại hơn 330 trường học và thiếu gần 1.000 giáo viên, trong đó có 300 giáo viên bộ môn Tin học và Tiếng Anh theo chỉ tiêu biên chế giao của tỉnh.
Ông Lưu Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cho biết: "Địa phương đang phải thực hiện đồng bộ các giải pháp tạm thời như dồn trường, ghép lớp, tăng giờ lên lớp... để đảm bảo chất lượng năm học. Còn về lâu dài phải tính toán việc đặt hàng các trường sư phạm và lấy nguồn tại địa phương đưa đi đào tạo. Thế nhưng, lấy gì để giữ chân giáo viên ở lại vùng cao lại đang là câu hỏi lớn chưa có lời giải khi các thầy cô vừa phải đứng lớp, vừa tăng gia sản xuất để có đủ thực phẩm cho chính bản thân và học sinh nhằm giữ các em ở lại trường theo đuổi ước mơ với con chữ.
"Chúng tôi đã phối hợp với các huyện để rà soát, sắp xếp lại giáo viên, điều động ở những nơi thiếu ít sang nơi thiếu nhiều. Rồi cũng chỉ đạo dồn học sinh ở những điểm trường nhỏ lẻ về các trường trung tâm có điều kiện đảm bảo để giảm số lớp. Tuy nhiên, về lâu dài chúng tôi cũng đang phối hợp với các huyện tính toán việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116; rồi cũng tuyên truyền, khuyến khích học sinh tốt nghiệp THPT đi học các trường sư phạm, để tạo nguồn tuyển cho tỉnh Lai Châu trong thời gian tới", ông Lưu Hồng Phương nói.
Riêng với Lào Cai, đầu tầu kinh tế của Tây Bắc, dù đã mạnh tay đầu tư gần 40.000 tỷ đồng trong 10 năm qua cho giáo dục, với 20 khung chính sách đãi ngộ khác nhau, nhưng thực trạng thiếu giáo viên đòi hỏi địa phương này tiếp tục phải nâng cao mức thu hút, đãi ngộ để kéo nhân lực về, nhất là với bộ môn chuyên biệt như tiếng Anh.
Ông Ngô Hữu Tuyên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai cho biết, dự kiến mức đề xuất hỗ trợ ban đầu với một giáo viên tiếng Anh về với Lào Cai dao động từ 80 – 150 triệu đồng: "Ngoài hỗ trợ ban đầu, chúng tôi cũng đề xuất với tỉnh có chính sách hỗ trợ giáo viên tương ứng khoảng 5 – 6 triệu đồng/tháng ngoài lương. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lên kế hoạch đặt hàng các trường đại học có uy tín trong cả nước đào tạo giáo viên cho tỉnh theo địa chỉ".
Còn đối với Yên Bái, các địa phương thiếu giáo viên không chỉ đề nghị UBND tỉnh, Sở Nội vụ sớm tuyển dụng bổ sung cho các nhà trường, mà còn chủ động tìm cách hợp lý hóa gia đình như một phương thức để thu hút nguồn nhân lực là con em địa phương về công tác.
Bà Lò Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn thông tin: "Về lâu dài, UBND huyện tiếp tục đề nghị UBND tỉnh, Sở Nội vụ tuyển dụng bổ sung số giáo viên, nhân viên còn thiếu mà chưa được tuyển dụng. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh, Sở Nội vụ xem xét tiếp nhận những viên chức là con em của huyện đang công tác ngoài tỉnh có nguyện vọng chuyển vùng công tác về sự nghiệp giáo dục và đào tạo huyện để bổ sung đội ngũ cho huyện và hợp lý hóa gia đình cho viên chức".
Trong vai trò cơ quan tham mưu, quản lý Nhà nước cấp tỉnh, ông Đỗ Đức Cảnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Yên Bái cho rằng, cùng với đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao bổ sung biên chế giáo viên cho tỉnh nhằm đáp ứng quy mô trường, lớp, thì cần phải thực hiện nhiều khâu: "Tăng cường tổ chức thi tuyển, xét tuyển giáo viên hàng năm và có văn bản gửi các Trường Đại học, trong đó có các trường Sư phạm, Ngoại ngữ… Sở Nội vụ cũng đã trực tiếp làm việc với Đại học Thái Nguyên và Giám đốc Sở Nội vụ đã trực tiếp tọa đàm với sinh viên các trường Đại học thuộc Đại học Thái Nguyên để giới thiệu về các chỉ tiêu tuyển dụng và chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Trao đổi với các tỉnh lân cận để đăng tải thông tin tuyển dụng, đảm bảo nguồn tuyển theo kế hoạch của tỉnh".
Cùng với đó, mức hỗ trợ ban đầu lên đến 100 triệu đồng cho 1 giáo viên về công tác tại vùng đặc biệt khó khăn cũng là đột phá táo bạo thể hiện quyết tâm của một tỉnh còn nghèo như Yên Bái.
Ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho biết thêm: "Chúng tôi cũng đã phối hợp với đại học Thái Nguyên để thực hiện tuyển sinh đào tạo đại học sư phạm tiếng Anh. Nguồn tuyển là các em học sinh các trường dân tộc nội trú và các địa bàn vùng cao để chủ động nguồn giáo viên trong những năm tới. Sở cũng đã nghiên cứu xây dựng mô hình dạy học trực tuyến môn tiếng Anh để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đồng thời thực hiện chủ trương chuyển đổi số".
Song song với việc tuyển dụng bổ sung, sử dụng nguồn lực địa phương để nâng cao chế độ đãi ngộ, thì giải pháp qui hoạch lại mạng lưới trường lớp của Lào Cai cũng rất đáng để nhân rộng. 10 năm qua, Lào Cai đã xóa bỏ gần 400 điểm trường lẻ, vừa giúp hàng vạn học sinh khó khăn có cơ hội về trường chính học tập trong môi trường tốt hơn, vừa tiết kiệm được khoảng 1.800 giáo viên.
Bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho rằng, dồn trường, ghép lớp, dạy trực tuyến hay phong trào “phòng giúp phòng, trường giúp trường” cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Vấn đề cốt lõi vẫn là chính sách, chế độ đãi ngộ giành cho giáo viên, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn như các tỉnh Tây Bắc. Trước mắt, để yên tâm với nghề thì giáo viên phải đủ sống. Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI cũng nêu rõ, lương của nhà giáo phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, có phụ cấp tùy theo tính chất công việc và theo vùng.
"Đây là chủ trương trong Nghị quyết 29 đã được ban hành nhưng hiện nay chưa được thực hiện và đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu có chính sách đặc thù riêng cho giáo viên công tác ở các vùng cao, vùng sâu, miền núi như Lào Cai thì chúng ta mới có thể thu hút và giữ chân được đội ngũ", bà Nguyệt nói.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 ở địa phương, ông Đặng Xuân Phong, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Lào Cai cho rằng, tỉnh cần tiếp tục nêu cao tinh thần “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, cả hệ thống chính trị cùng phải vào cuộc và phải có tầm nhìn, giải pháp dài hơi hơn nữa đối với sự nghiệp trồng người, tránh chạy theo sự vụ và thiếu chủ động như hiện nay: "Vì là hàng đầu nên chúng ta phải đặt mục tiêu trước cả kinh tế xã hội. Phải tiếp tục đổi mới, mà đổi mới phải toàn diện, cuối cùng phải đi đến chất lượng và hiệu quả. Đây vừa là căn cơ, vừa là chiến lược lâu dài. Liệu ngành giáo dục đã có chiến lược nào lâu dài 50 năm, 100 năm chưa, hay mới có những Đề án cụ thể để triển khai một Nghị quyết của Đại hội nhiệm kì 5 năm"?
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngô Thị Minh, Chính phủ đã nhất trí thông qua đề xuất của Bộ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Nếu như được Quốc hội thông qua, Luật Nhà giáo sẽ góp phần làm rõ hơn tính đặc thù, tạo sự bình đẳng trong xã hội.
"Bình đẳng làm sao để các cơ sở ngoài công lập sẽ hút học sinh ra, qua đó gánh vác nhiều hơn trách nhiệm với Nhà nước; đồng thời thu hút giáo viên để các đơn vị đào tạo và có chính sách tốt hơn ở những nơi thuận lợi trong cả nước. Từ đó, giáo viên ở những vùng khó khăn sẽ được đầu tư quan tâm hơn, để lương, phụ cấp ngoài lương của các thầy cô được tốt hơn, có như vậy mới thu hút được đội ngũ", Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh.
Điều rất vui mừng và nhiều thầy cô giáo vùng cao đang chờ đợi và coi đó là động lực chính là quyết tâm thực hiện lộ trình chế độ tiền lương mới từ 1/7 năm tới được Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 13 quyết định tại kỳ họp thứ 8 vừa qua.
Bởi khi đã yên tâm với nghề, thầy cô sẽ hạnh phúc. Khi thầy cô hạnh phúc, mục tiêu xây dựng “Trường học hạnh phúc” sẽ thành hiện thực. Và khi đó mỗi ngày đến trường sẽ là 1 ngày vui. Và hành trình đưa miền núi tiến kịp miền xuôi thông qua giáo dục sẽ không còn chông gai.
Dọc dài trên mảnh đất hình chữ S này, hàng ngày vẫn có hàng nghìn thầy cô giáo bám trường, bám bán để đưa cái chữ đến với học sinh. Và khi tình nguyện đến các bản vùng cao gieo chữ, mỗi thầy cô giáo đều mang theo một trái tim hy sinh thầm lặng để cho con chữ được nảy mầm, sinh sôi trên vùng đất khó.
Cách trung tâm huyện gần 60km, điểm trường Phìn Tỷ là một trong những điểm xa và khó khăn nhất của xã Lũng Hồ. Con đường tới điểm trường trơn trượt trong ngày mưa, trơ lên như dòng suối cạn trong ngày nắng nên cả 6 thầy cô giáo lấy điểm trường làm nhà để cho giấc mơ con chữ, của học trò được trọn vẹn. Gần 20 năm gắn bó với điểm trường Phìn Tủng, thầy giáo Long Minh Tuấn đã thuộc từng tên, nhớ từng nhà và nói tiếng dân tộc cùng hơn 100 hộ trong thôn. Và với người dân nơi đây, các thày cô giáo như thày Tuấn đã trở thành người thân với mỗi gia đình.
Tạm biệt điểm trường Phìn Tủng, nhóm phóng viên có mặt tại điểm trường Cờ Tẩu nơi nuôi dạy gần 70 học sinh từ mầm non đến lớp 3 của xã Đường Thượng. Chiếc mũ bảo hiểm, bộ quần áo mưa vẫn còn, nhưng cô giáo Mai Thị Yến đã mãi mãi ra đi trong một lần trở lại điểm trường khi mà cả người và xe bị rơi xuống vực. Không để sự học bị dừng lại, nhà trường và chính quyền địa phương đã nhanh chóng phân công giáo viên xuống bản và viết tiếp bài giảng còn dang dở của người đồng nghiệp đã quá cố.
Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và của chính quyền địa phương chăm lo cho sự nghiệp trồng người, trong những năm hệ thống trường lớp học của huyện Yên Minh ngày càng phát triển. Các điểm trường giảm xuống, hệ thống nhà bán trú tăng lên đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giáo dục. Tuy nhiên do địa hình chia cắt, toàn huyện Yên Minh vẫn còn 143 điểm trường với 62 lớp ghép. Trong điều kiện đó mỗi ngày vẫn có hàng trăm thầy cô giáo bám trường, bám lớp để gieo chữ.
Trong bức thư gửi chia buồn và thăm hỏi gia đình cô giáo Mai Thị Yến, Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã cảm động và ghi nhận trước những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ các thầy giáo, cô giáo đang cắm bản, công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hai đảo đã không quản nguy hiểm, khó khăn, thiếu thốn trăm bề để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Đó là những thầy cô giáo phải sống xa gia đình, tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, ngày nối ngày, kiên trì, thầm lặng bám thôn, trụ lại điểm trường để gieo giấc mơ con chữ cho học trò vùng cao.